Tôn chỉ Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Nơi thờ Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) trong chùa Tam Bửu

Cũng như Phật Thầy Tây An (người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương), Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) chú trọng phát triển Phật giáo theo hình thức "cư sĩ", nghĩa là tín đồ không cần "ly gia cắt ái" hay "đầu tròn áo vuông", tín đồ mặc áo vạt hò, quần lá nem, bới tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được... Ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc "Tu Nhân - Học Phật" làm nền tảng cho sự hành đạo.

  • Tu Nhân: được thể hiện qua việc kính thờ và phụng sự tứ ân:
- Tứ đại trọng ân bao gồm: đất, nước, gió, lửa. (thủy, thổ, hỏa, phong)- Tứ trọng ân bao gồm: ân cha mẹ tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại.

Ngoài việc kính thờ trên, người tín đồ còn phải hành xử việc "Hiếu" (hiếu thảo với ông bà tổ tiên) và việc "Nghĩa" (nghĩa vụ với đất nước, đồng bào và nhân loại).

  • Học Phật: Là học những điều Phật giáo hóa chúng sanh, thành tâm phụng thờ và trì niệm Phật để cầu được giảm "tội, nghiệp", được cứu độ và giải thoát.

Bổn sư Ngô Lợi dạy:

Một lòng giữ vẹn tứ ân,Phụng thờ khuya sớm ân cần đừng sai.Gắng công niệm Phật hôm mai,Trì tâm thì đặng thiếc mài nên kim.

hay:

Việc làm cho Phật, phước nhiềuCũng như hoa lại mai chiều nở vun.(Sám giảng Ngũ giáo)

Mặc dù phát triển từ nền tảng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng đạo Hiếu Nghĩa còn chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác nữa:

Phật dạy lý chân khôngVì sợ người chấp có.Bằng người lại chấp không,Như chụp thỏ buông ó.Người chấp vô thường tướng,Phật nói hữu thường tâm.Chẳng dè phương tiện pháp.Ao xuân hiện lỗi lầm...

Yếu lý này thể hiện nhiều trong kinh giảng của đạo Hiếu Nghĩa.

Kinh Phật giáo được tín đồ đạo Hiếu Nghĩa trì tụng, đó là: "Bát Dương kinh", "Di Đà kinh", "Kim Cang thọ mạng kinh", "Phổ Môn kinh" và "Bổ khuyết Tâm kinh" (được tín đồ đọc tụng thường xuyên).Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) cũng cho phép, người ít hiểu biết chỉ cần tụng "Linh Sơn hội thượng kinh" cũng đủ. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích tín đồ trì niệm chú, ấn pháp theo Mật Tông.

Đàn, ấn, chú là pháp chư PhậtNgười làm theo sẽ được hộ trì.
  • Nho giáo: Quan niệm "Tu Nhân" chịu ảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng Khổng Mạnh.

Chữ "Tu" ở đây hiểu theo nghĩa "Mạng trời gọi là tính, nương theo tính trời gọi là đạo, sửa mình theo đạo gọi là "giáo" (Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Trung Dung). Vậy, Tu Nhân tức là sửa mình theo "đạo làm người" (nhân đạo), mà đạo làm người không hề xa với "đạo trời"...

Trong sinh hoạt của tín đồ, có những việc có liên quan đến đạo Nho, như: Thờ cúng đất trời, xây dựng chùa chiền, nhà cửa theo số vị vận hành của Kinh Dịch. Các lễ tế, hôn sự, tang ma theo thể thức của Nho giáo. "Thập Nhị lệ sự" tức 12 điều lệ mà tín đồ phải tuân theo, được mô phỏng từ khuôn mẫu của đạo Nho.

  • Đạo Lão: Tư tưởng Lão giáo cũng là tư tưởng chủ đạo trong giáo thuyết của đạo Hiếu Nghĩa.

Người tín đồ phải nằm lòng những bài kinh sau: "Tâm Ấn kinh", "Động cổ kinh", "Tam mao chơn kinh". Trích:

Động cổ kinh.(dịch nghĩa)Có động cũng xuất nơi không động.Hữu vi cũng xuất nơi vô vi.Vô vi thời thần về, thì muôn vật yên lặng.Bất động thì khí điều hòa.Khí yên lặng điều hòa, thì muôn vật không sanh.

Tóm gọn, pháp môn tu hành của đạo Hiếu Nghĩa là:

Trì niệm theo Thiền tôngXử sự theo Nho giáo.Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo.